Chuẩn bị trước khi động đất xảy ra

ツイッターでツイート
フェイスブックでシェア
ラインでシェア

Page Number 2000347  Updated on March 14, 2023

Print Print in large font

Nhật Bản là đất nước có nhiều động đất; đa số đều là các cuộc động đất nhỏ.
Tuy nhiên, lỡ có động đất lớn xảy ra thì sẽ gây ra những thiệt hại to lớn như các tòa nhà bị sập, hỏa hoạn, v.v..

Để giảm thiệt hại do động đất gây ra, việc bạn chuẩn bị sẵn tinh thần và vật dụng cần thiết là rất quan trọng.
Sau một trận động đất lớn thường sẽ có các dư chấn (nhiều trận động đất khác xảy ra sau đó).
Dư chấn hoàn toàn có thể lớn hơn hoặc tương đương với trận động đất ban đầu. Vì vậy, bạn hãy cảnh giác tránh xa các tòa nhà có nguy cơ bị sụp đổ.

Hãy chuẩn bị phương thức để liên lạc

Khi thảm họa, thiên tai lớn xảy ra, do mất điện mà điện thoại cố định và điện thoại di động rất khó kết nối.
Hãy chuẩn bị một vài phương thức để liên lạc khi cần thiết.
Vì điện thoại rất khó kết nối ở nơi xảy ra động đất. Vì vậy, sẽ hiệu quả hơn nếu bạn chuẩn bị số liên lạc của người thân hoặc bạn bè ở xa, nơi có thể dễ dàng kết nối hơn.

Nếu sử dụng điện thoại công cộng

Khi động đất lớn xảy ra, việc sử dụng điện thoại công cộng sẽ được ưu tiên và dễ dàng kết nối hơn. Ngoài ra, cước phí điện thoại cũng sẽ được miễn phí (tuy nhiên cần phải bỏ đồng 10 yên vào máy, sau khi kết thúc cuộc gọi tiền sẽ được trả lại).

Nếu sử dụng tin nhắn, email điện thoại di động

Khi động đất lớn xảy ra, sử dụng tin nhắn, email sẽ dễ dàng kết nối hơn so với cuộc gọi thoại trên điện thoại di động.

Nếu sử dụng SNS (Twitter, Facebook, LINE, v.v.)

Những phương thức này ít chịu ảnh hưởng của việc mất tín hiệu kết nối do thảm họa, thiên tai gây ra; chúng cũng đã giúp ích rất nhiều trong việc xác nhận an nguy tại cuộc thảm họa động đất Kumamoto trước đó.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng nội dung của SNS cũng có thể không chính xác.

Quay số thư thoại khi xảy ra thảm họa, thiên tai

Bạn có thể quay số "171" để để lại tin nhắn xác nhận an nguy. Bạn cũng có thể dùng để nghe tin nhắn được để lại cho mình.

Cách lưu lại tin nhắn

  1. Hãy gọi 171
  2. Nhấn phím 1
  3. Bấm số điện thoại của bạn bắt đầu từ mã vùng (thành phố Gifu là "058").
  4. Nhấn phím 1
  5. Bạn có thể ghi âm trong 30 giây. Nói ngắn gọn về vị trí và tình trạng của bạn.
  6. Nhấn phím 9
  7. Giọng nói bạn đã ghi sẽ được phát lại.
    Xác nhận nội dung xong hãy bấm kết thúc.

Cách nghe tin nhắn được để lại

  1. Hãy gọi 171
  2. Nhấn phím 2
  3. Bấm số điện thoại của đối phương bắt đầu từ mã vùng.
  4. Nhấn phím 1
  5. Bạn có thể nghe tin nhắn mới nhất.
    Bạn có thể nghe 20 tin nhắn mới nhất.
    Các tin nhắn trước đó sẽ bị xóa.
  6. Nhấn phím 8 để nghe lại tin nhắn. Nhấn phím 9 để nghe tin nhắn trước đó.
  7. Nếu nhấn phím 3, bạn có thể ghi lại tin nhắn của chính mình.

"Bảng tin nhắn khi xảy ra thảm họa, thiên tai" (điện thoại di động)

Dịch vụ này muốn sử dụng cần phải kí hợp đồng với công ty điện thoại di động.

  1. Từ menu ấn chọn "Bảng tin nhắn khi xảy ra thảm họa, thiên tai", sau đó bạn hãy nhập lời nhắn.
  2. Bạn nhập số điện thoại của đối phương để xem tin nhắn.

Giấy dán

Viết tin nhắn của bạn trên một mảnh giấy bằng bút dạ dầu (loại mà không xóa được bằng nước); và dán nó lên cửa lối ra vào, v.v..

Hãy quyết định trước địa điểm lánh nạn, trung tâm sơ tán

Hãy tìm một địa điểm lánh nạn, trung tâm sơ tán gần nhà hoặc chỗ làm của bạn.
Hãy xác định thực tế lộ trình, khoảng thời gian cần thiết, cũng như những cột mốc đánh dấu và chướng ngại vật trên đường di chuyển tới đó.
Hãy chuẩn bị một vài địa điểm lánh nạn và lộ trình sơ tán.
Bạn có thể xem danh sách vị trí của "địa điểm lánh nạn khẩn cấp được chỉ định" và "trung tâm sơ tán được chỉ định" trên trang web của thành phố Gifu.

Thông thường thì các "địa điểm lánh nạn khẩn cấp được chỉ định" và "trung tâm sơ tán được chỉ định" được đặt biển báo để người dân có thể dễ dàng nhận biết.

  1. Khi xảy ra thiên tai như lũ lụt, ngập úng, lở đất, động đất, để biết các nơi này có lánh nạn được hay không, các biển báo thường có ghi ○×△ và những điều cần chú ý.
  2. Biển báo được viết bằng nhiều ngôn ngữ (tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Tagalog).
  3. "Địa điểm lánh nạn khẩn cấp được chỉ định" và "trung tâm sơ tán được chỉ định" không chỉ được ghi bằng chữ cái mà còn được nhận biết bằng ký hiệu.

Địa điểm lánh nạn khẩn cấp được chỉ định

Là những nơi có thể lánh nạn khi thảm họa, thiên tai xảy ra hoặc có thể xảy ra.

Khi xảy ra động đất, các địa điểm được chỉ định chủ yếu là những bãi đất trống như sân trường, công viên, v.v.; đối với bão hoặc mưa lớn là trường học hoặc các hội trường công cộng.

Trung tâm sơ tán được chỉ định và những cơ sở khác mà bạn có thể sơ tán

Là những nơi sinh sống tạm thời khi nhà của bạn bị hư hỏng hoặc có nguy cơ bị đổ sập.
Các địa điểm được chỉ định là phòng tập thể dục của trường, hội trường công cộng của địa phương, hay cơ sở tư nhân.

*"Địa điểm lánh nạn khẩn cấp được chỉ định" và "trung tâm sơ tán được chỉ định" có thể giống nhau.

Những đồ dùng cần mang theo khi đi sơ tán

Hãy chuẩn bị những đồ dùng tối thiểu này khi đi sơ tán.
Hãy cho đồ đạc vào balo, áo vest dùng ngoài trời (loại có nhiều túi) để hai tay bạn có thể tự do hoạt động.
Hãy để chúng gần cửa ra vào hoặc đầu giường, nơi mà bạn có thể mang đi theo dễ dàng.
Những đồ dùng tối thiểu cần mang theo nên là những thứ càng nhỏ càng nhẹ càng tốt.

  • Nước uống
  • Thức ăn (đồ dễ ăn, có thể bảo quản thời gian dài và không cần chế biến)
  • Những vật quan trọng và tiền mặt
    (Bao gồm cả đồng 10 yên dùng khi sử dụng điện thoại công cộng)
  • Thẻ bảo hiểm, thẻ di tản, thẻ kiểm tra sức khỏe
  • Ghi chú có ghi địa chỉ và số điện thoại của thành viên trong gia đình, họ hàng hoặc bạn bè của bạn.
  • Đồ sơ cứu, đồ y tế (Đối với người cao tuổi hoặc người có bệnh nền thì hãy mang theo thuốc và bản sao sổ tay thuốc)
  • Còi thổi
  • Mũ bảo hiểm/mũ trùm phòng chống thiên tai (mũ bảo vệ đầu)
  • Găng tay dày (găng tay lao động)
  • Đèn pin, đài radio di động, pin dự phòng
  • Điện thoại di động, bộ sạc thủ công (không dùng điện), sạc dự phòng
  • Quần áo (áo khoác/đồ lót/tất), ô và áo mưa, găng tay và khăn quàng, miếng giữ nhiệt
  • Giày có đế bền
  • Khăn mặt, khăn tay, khăn giấy, khăn ướt
  • Túi ni lông
  • Khẩu trang, chất khử trùng, xà phòng, nhiệt kế
  • Đồ để đi vệ sinh dùng một lần
  • Dao, đồ để mở lon
  • Bật lửa, diêm, nến
  • Bút viết (bút dạ dầu loại không xóa được bằng nước)

【Những đồ dùng khác tùy vào nhu cầu của từng hộ gia đình】

  • Tã giấy, khăn ướt em bé, sữa bột, v.v.
  • Kính mắt, kính áp tròng
  • Máy trợ thính, răng giả
  • Băng vệ sinh

Đồ dữ trữ cho lúc khẩn cấp

Là những đồ cần dùng tối thiểu trong khi chờ vật phẩm cứu trợ tới hoặc khi chờ điện, nước, ga khôi phục trở lại.
Hãy chuẩn bị đồ dữ trữ tối thiểu đủ dùng cho 3 ngày, nếu có thể thì chuẩn bị lượng đủ cho 1 tuần.
Hãy lựa chọn những đồ mà bạn không thể sống thiếu.
Hãy đặt chúng ở những chỗ khác nhau trong nhà, những nơi mà cho dù nhà và đồ vật có hư hỏng cũng có thể lấy ra được.
(đặt ở kho ngoài nhà, cốp xe hơi, nơi gần cửa ra vào, v.v.)
Mọi người trong gia đình đều phải ghi nhớ nơi để đồ.

  • Nước uống 3 lít/người/ngày
    Bảo quản trong bồn nhựa có thể chứa nước.
  • Thức ăn
    Những thứ có thể bảo quản trong thời gian dài và không cần chế biến như:
    Cơm ăn liền, loại bỏ nước vào là có thể ăn được
    Đồ hộp, bánh mì khô, bánh quy
    Thực phẩm ăn liền, thực phẩm đóng gói
    Kẹo, sô cô la, v.v.
  • Đũa dùng 1 lần, thìa/dĩa, đĩa giấy/cốc giấy
  • Chăn/túi ngủ, tấm trải sàn (tấm nilong, v.v.)
  • Quần áo (áo khoác/đồ lót/tất)
  • Khăn mặt, khăn tay, khăn giấy, khăn ướt
  • Bàn chải đánh răng, xà phòng, dầu gội khô, v.v.
  • Bếp ga mini, bình ga dự phòng
  • Cồn khô, đèn dầu, nến, đèn pin
  • Báo giấy
  • Nồi, chảo
  • Đồ đi vệ sinh đơn giản
  • Nilong bọc thức ăn
  • Băng keo vải
  • Vải mềm như gạc, thuốc, khẩu trang
  • Túi nhựa, túi nilong
  • Dụng cụ như xà beng và xẻng, dây thừng
    (dùng để cứu trợ khi cần)
  • Đài, pin

Đừng hốt hoảng khi có động đất

Phương pháp bảo vệ cơ thể cơ bản

  • Trốn dưới gầm ghế hoặc bàn chắc chắn.
  • Dập lửa ngay tức khắc khi động đất ngừng rung.
  • Mở cửa sổ và cửa ra vào để đảm bảo lối thoát ra ngoài.
  • Không vội chạy ngay ra ngoài.
  • Khi đi sơ tán hãy đi bộ và mang đồ đạc ở mức tối thiểu.
  • Không đi vào những con đường hẹp; không đi gần cổng hoặc hàng rào, gần vách đá hoặc sông.
  • Chạy thoát ngay lập tức nếu bạn ở gần ngọn đồi dốc.
  • Giúp đỡ lẫn nhau với những người dân sinh sống trong khu vực của bạn.
  • Thu thập thông tin bằng đài v.v..

Cách đối phó khi đang ở bên ngoài mà gặp phải động đất

Khi đang lái xe

Không phanh gấp, bật đèn báo nguy hiểm và đỗ xe ở bên trái đường. Khi đi sơ tán, hãy để lại chìa khóa xe và đừng khóa cửa xe.

Khi đang ở trên tàu hoặc xe bus

Nắm chắc dây vịn hoặc tay vịn bằng cả hai tay.
Làm theo chỉ thị của nhân viên tàu, xe; không tự ý đi ra khỏi tàu, xe.

Khi đang ở trong thang máy

Nếu cảm nhận được rung lắc, nhấn nút tất cả các tầng và ra khỏi ngay ở tầng mà thang máy dừng đầu tiên.
Trong trường hợp thang máy không mở, hãy nhấn nút điện thoại liên lạc nội bộ bên trong thang máy và bình tĩnh chờ cứu trợ.

Khi đang ở ngoài đường

Tránh xa máy bán hàng tự động; chú ý hàng rào khối đổ, biển báo và kính vỡ rơi xuống; đồng thời tránh xa các tòa nhà.

Khi đang ở văn phòng hoặc nơi làm việc

Nấp xuống bàn; chú ý những đồ đạc lớn (tủ đựng đồ, giá sách, v.v.) có thể đổ xuống, hay thiết bị văn phòng (laptop, v.v.) ở trên bàn có thể rơi xuống.

Khi đang ở cửa hàng bách hóa, trung tâm thương mại

Bảo vệ đầu của bạn bằng túi xách v.v..
Tránh xa các tủ trưng bày và các mặt hàng lớn.
Làm theo chỉ thị của nhân viên; không vội vàng chạy ra cửa hoặc cầu thang vì sẽ rất nguy hiểm.

Khi đang ở hội trường hoặc nhà hát

Nấp giữa những chiếc ghế. Làm theo chỉ thị của nhân viên; không vội vàng chạy ra cửa hoặc cầu thang vì sẽ rất nguy hiểm.

Khi đang ở trung tâm mua sắm dưới lòng đất

Đi dọc theo bờ tường và thoát lên mặt đất từ lối ra gần nhất.

Hãy nắm bắt thông tin chính xác

Bạn hãy thu thập thông tin chính xác từ những nguồn thông tin đáng tin cậy như truyền thông, TV, đài, v.v. của thành phố.
Ngay sau khi có động đất xảy ra thì sẽ có rất nhiều thông tin sai lệch ác ý hoặc những thông tin gây hoang mang, bất an.
Bạn hãy bình tĩnh và xác nhận tính chân thực của những thông tin đó.

Nguồn thu thập thông tin khi có động đất xảy ra

Phương tiện cung cấp thông tin từ thành phố Gifu

  • Thông tin phòng chống thảm họa, thiên tai của thành phố Gifu
  • Đài vô tuyến phòng chống thảm họa, thiên tai chính quyền (được phát trên đường phố)
  • Xe ô tô vừa chạy vừa phát thông tin
  • Đài phát sóng khẩn cấp khi xảy ra thảm họa, thiên tai tại FM Wacchi (78,5MHz), FM Gifu (80,0MHz)
  • Trang chủ và SNS của thành phố Gifu, Ứng dụng hỗ trợ khi có thảm họa, thiên tai "Dòng thời gian của tôi" của thành phố Gifu
  • "Email thông tin Thời tiết/Thảm họa, thiên tai của thành phố Gifu" (Cần đăng ký trước)
  • "Email tốc báo khẩn cấp" được gửi đến điện thoại di động

Các phương tiện cung cấp thông tin khác

  • Cổng thông tin tổng hợp về phòng chống thảm họa, thiên tai của tỉnh Gifu
  • "Thông tin về Động đất" của Cơ quan Khí tượng Nhật Bản
  • "Thông tin Phòng chống Thảm họa, Thiên tai" của Văn phòng Nội các